Khu Chợ Lớn mỗi lúc một đông người. Lúc này là khoảng bốn giờ sáng, nếu tính theo cách gọi của người Hoa ở đây thì đó là lúc canh tư, hay là giờ Mão. Họ tất bật chuẩn bị cho phiên chợ sáng vào giờ Tỵ, tiếng gọi nhau í ới, lúc thì kéo giúp cái xe, lúc thì chuyển số hàng vội. Đám cửu vạn chạy tới lui không hết việc, những thân hình vạm vỡ nâng lên hạ xuống một chốc, loáng cái khu chợ lúc đầu vốn vắng vẻ, nay đã ắp đầy hàng hóa, chỉ chờ người đến mua.
K’Nơ ngồi một góc, thở dài sau buổi làm việc mệt nhọc. Anh được trả hai ngàn một trăm đồng, cũng được coi là khá. Từng ấy đủ cho anh một bữa sáng với bánh mì khô và bữa trưa với chút thịt cắt mỏng. Đến chiều muộn, anh lại giúp dọn hàng, lại được trả thêm từng ấy tiền nữa. Vậy là đủ với kiếp nghèo.
Vốn K’Nơ có gốc tận Campuchia, sống tại vùng biên giới Tây Ninh. Năm ấy, cha mẹ anh vì chạy loạn Khmer Đỏ mà dắt anh dạt về Chợ Lớn, xui rủi thế nào trên đường, cả hai bị xe lửa cán phải mà chết không toàn thây, chỉ còn K’Nơ lúc ấy nắm lấy cánh tay người mẹ đã bị đứt lìa với chút thịt nham nhở ở bả vai khóc ré lên. Người ta chạy đến, thấy cảnh vậy bèn mỗi ngày góp chút đồ ăn nuôi anh, được cái trời thương, anh cứ lớn lên chẳng bệnh tật gì. Cứ vậy, anh đã sống ở khu này hơn mười bảy năm, dùng hai bàn tay to khỏe và sức lực của mình mà kiếm sống.
Hôm nay, nghe nói lúc giờ Ngọ sẽ có nhà giàu đưa tang, dự là rải chút tiền cúng cô hồn dọc đường, anh cũng bạo gan nhập bọn với chúng mà kiếm thêm chút đỉnh. Đám ma ấy to lắm, tiếng kèn trống khua inh ỏi, hương bay khắp vùng. Thi thoảng từ trên cỗ xe quàn, họ lại rải vài tờ bạc xuống. Mỗi lần như vậy, cả đám lớn lẫn nhỏ châu đầu vào, thậm chí đánh nhau mà giành giật, mặc kệ mấy ánh nhìn khinh bỉ của đám nhà giàu kia.
Đi theo đoàn tang được một lúc, K Nơ nhận ra đã đến giờ Thân. Trước mặt anh là dãy nhà cấp bốn xây san sát vào nhau, đôi chỗ từ ống khói nhà nào đó bốc lên nghi ngút. “Chà, mùi bánh thơm quá!” – Anh thầm nghĩ. Thế là lần theo cái mùi thơm ấy, anh tới một lò bánh xây bằng gạch, bốn bề là tường cao, phía trên trao biển bằng hai thứ tiếng Việt – Trung – “Lò bánh Cát Tường”. Phía trước, đã có một sạp bày đủ thứ bánh, nhưng chỉ có vài ba cái bánh khác nhau, còn lại hầu hết là bánh bao trắng mịn, nom như bên trong đầy nhân mọng nước thịt. Cạnh đó là cái biển ghi “năm trăm đồng một cái”
Mở cái bọc nhỏ dắt trong quần, anh đếm có tất thảy hai ngàn chín trăm đồng. “Một cái bánh những năm trăm đồng, không phải quá đắt sao?” – Anh thầm nghĩ. Nhưng mùi thơm ấy cứ quyến rũ làm anh không cầm lòng được. Thế là anh rút ra năm tờ bạc mà đưa cho ông chủ phốp pháp đang đứng phía sau sạp hàng.
“Bán cho tôi một cái bánh bao, ông chủ!”
Chủ hàng thấy có khách, liền đon đả lấy một cái bánh nóng hổi, gói vào giấy báo được xé nhỏ mà đưa cho anh. Anh vội mà cắn ngay cái bánh thơm nức mũi ấy. Nước thịt chan đều miệng anh, đâu đó là vị giòn tan của mộc nhĩ, chút bùi của trứng cút cùng thứ nhân thịt rắn chắc, mùi vị lạ lùng mà ngon tuyệt, lại được chút tiêu làm cho cảm giác như đang thưởng thức cao lương mỹ vị. Chẳng mấy chốc, cái bánh đã chui tọt cả vào bụng. Lại thấy thèm, anh ăn thêm một cái, rồi một cái nữa, cứ vậy đến khi no nê, anh mới nhớ ra mình đã ăn quá nhiều. Thầm trách cái tính ham ăn, anh lại vội hỏi số tiền phải trả. Người chủ nhìn một lúc, rồi nói.
“Cả thảy bốn ngàn đồng chẵn! Chà, công nhận nị ăn khỏe thế!”
Giật mình, anh tái mét khi không đủ tiền để trả. Tính bỏ chạy nhưng phía đằng kia có hai cảnh sát đang đi tuần, quay lại thì thấy ông chủ đang nhịp chân đứng đợi, anh đành lí nhí mà trả lời.
“Ông… ông chủ…. có việc nào cho tôi không…”
“Sao? Nị nói gì?” – Ông chủ nhướn mày, vẻ như không hiểu.
“Vì… vì tôi mang… à… không mang đủ… tiền…”
Tức thì ông chủ dậm chân, mắt long sòng sọc làm mấy múi mỡ quanh bụng rung cả lên mà thét.
“Thứ ôn dịch, mày ăn của ngộ mà không trả à!”
“Tại… tại …”
“Không nói nhiều, ngộ nói cảnh bắt mày!”
Toan quay đi gọi hai cảnh sát đang đứng gần đấy, K Nơ vội lao đến mà lạy lục.
“Con xin ông… ông tha cho…”
Anh vừa nói, nước mắt lại rơm rớm. Có lẽ vì thấy thương hại mà người kia thôi không làm to chuyện, lại thở dài mà nhìn quanh. Đoạn lấy tay mà chỉ vào cái chổi dựng ở góc sân khuất phía sau.
“Vào kia lấy chổi mà quét phía trước đi rồi cút! Xúi quẩy!”
K Nơ thấy được tha, liền nhanh nhẹn chạy vào mà cầm cây chổi, lại cẩn thận hắt nước cho đỡ bụi, chẳng mấy chốc đường phía trước đã sạch tinh. Đã thế lại còn cẩn thận lau chùi cái bàn dính chút đất đến thấy cả nước sơn nâu thẫm, mặc cho mồ hôi cứ chảy ròng ròng. Xong việc, anh đứng lên mà nhìn ông chủ tiệm. Người này hài lòng lắm, gật đầu mà cho K Nơ đi. Nhưng anh vừa quay lưng, người này vội gọi lại.
“Này, nị đứng lại!”
K Nơ hoảng hồn, chắc ông ta chẳng chịu để yên. Nhưng trái lại, người này rót một cốc nước trà trong ấm ra, lại lấy hai cái bánh bao nóng hổi mà đưa cho K Nơ.
“Uống ly nước đi! Rồi cầm lấy mà ăn. Đừng có trộm cướp gì nhé!”
K Nơ vội cúi đầu mà cảm ơn. Nhận hai cái bánh từ ông chủ, anh lại không kiểm lòng được mà lấy một cái nhét vội vào miệng. Ông chủ thấy vậy liền trêu.
“Ăn khỏe như nị thì làm bao nhiêu cho đủ!”
“Thật… thật ngại. Con không ăn nhiều, nhưng mấy cái bánh này quả thật ngon lắm ạ! Nó cứ như bắt con phải ăn cho kỳ hết, đến lạ!”
Ông chủ lại nhướn mày, đoạn ông lại nói như với chính mình.
“Bánh ngộ làm, không thiếu người khen ngon. Nhưng nói nó lạ thì đây là lần đầu.”
Rồi nhìn anh, sau đó đưa tay mà nắn bắp tay anh. Lại cầm hai bàn tay anh mà xem xét. Một chốc, người này liền hỏi.
“Này, có muốn làm ở đây không?”
Chẳng hiểu vì sao ông ta lại hỏi như vậy. Nhưng cũng chẳng hiểu vì sao, K Nơ lại gật đầu tắp lự. Thế là từ đó, anh cửu vạn K Nơ bắt đầu làm việc ở lò bánh Cát Tường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét